Từ tháng 11/2022, nhiều quy định mới về tài chính, tiền lương, cán bộ, công chức sẽ chính thức có hiệu lực.
Ba nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước quy định
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.
Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thứ hai, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
Thứ ba, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024.
Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1-2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Thông tư 60/2022/TT-BTC quy định về danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là:
1- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
2- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
4- Quản lý nhà nước về hải quan.
5- Quản lý nhà nước về giá.
6- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
7- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
8- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
9- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
10- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
11- Quản lý nhà nước về tài sản công.
Thời hạn bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã đối với cán bộ của từng lĩnh vực được quy định như sau: Lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về tài sản công đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Các lĩnh vực còn lại đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Điều kiện thành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp ngành công thương
Thông tư 16/2022/TT-BCT về quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương có hiệu lực từ ngày 23/11/2022.
Thông tư quy định rõ, việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định các điều kiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.
Quy định mới chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện
Theo Thông tư 03/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 11/11/2022, thực hiện quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện.
Cụ thể, về vị trí và chức năng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật.
Đối với lĩnh vực khác thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.
Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu, có tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Mức chi tổ chức bồi thường, tái định cư và cưỡng chế thu hồi đất
Có hiệu lực từ ngày 20/11/2022, Thông tư 61/2022/TT-BTC sẽ hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo Điều 3 Thông tư 61, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm được quy định như sau:
Trường hợp thứ nhất, các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp thứ hai, dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp thứ nhất mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp thứ ba, dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp thứ nhất mà phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí tổ chức cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án; Mức kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp thứ tư, dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất: Mức kinh phí tổ chức cưỡng chế thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà Nước
Cũng trong tháng 11 tới, cụ thể là ngày 15/11/2022, Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài mà không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay sau: Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm; Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên (trừ khi bên vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm 01 năm nêu trên).
Doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh sẽ thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả trên Trang điện tử: www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.
Hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022, Thông tư 58/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Có hiệu lực từ 1/11/2022, Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định rõ về phân phối kết quả tài chính trong năm.
Quy định sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện cai nghiện ma túy
Thông tư 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.
Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới từ ngày 22/11
Có hiệu lực từ ngày 22/11/2022, Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện. Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục
Nghị định số 68/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc.
Quy định mới về Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ.
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về "Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ" (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12d - đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 64/2016/NĐ-CP) như sau:
Trình tự, cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ:
Cơ sở đào tạo có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đường bộ Việt Nam (thay vì Tổng Cục Đường bộ Việt Nam).
Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ; Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu chính: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Nghị định 70/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Đối với trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở đào tạo kê khai và nộp hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp chứng chỉ cho từng học viên (có kết quả thi đạt yêu cầu) có tên trong Tờ trình của cơ sở đào tạo; trường hợp không cấp chứng chỉ, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Việc trả chứng chỉ được thực hiện tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc thông qua dịch vụ bưu chính theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/11/2022.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 1/11/2022.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 28 đơn vị, tổ chức.