Tuyên truyền nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm

       Xin kính mời quý vị và các bạn lắng nghe Chương trình phát thanh tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP). Chương trình này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về chủ trương, quan điểm, định hướng, cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện và giới thiệu những điển hình tiêu biểu.
      Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng hợp, bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội ở nông thôn, là Chương trình thiết thực, hiệu quả và có tính nhân văn cao.
      Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” là Chương trình phát triển kinh tế nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chuỗi giá trị có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc được các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát và xác nhận; phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích lớn cho cả người tiêu dùng và người sản xuất (giá trị gia tăng chủ yếu được để lại cho người sản xuất, cộng đồng dân cư); sản phẩm OCOP là sản phẩm tử tế, tin dùng; sản phẩm địa phương hướng tới toàn cầu.
      Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, người dân là chủ thể phải chủ động, tự tin, sáng tạo, tự giác tham gia tích cực, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và chung tay thực hiện.
       Thực hiện Chương trình nông thôn mới phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các tiêu chí, đảm bảo phát triển bền vững; Thực hiện Chương trình OCOP tuân thủ các nguyên tắc: Hành động địa phương hướng tới toàn cầu; tự lực, tự tin, sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Về phát triển sản phẩm phải đảm bảo tuân thủ cơ chế thị trường, có sự định hướng, quản lý của Nhà nước; Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ (có các chính sách, nhất là các chính sách thưởng theo kết quả đầu ra).
      Đối tượng tham gia Chương trình OCOP là tất cả người dân, hộ gia đình, các tổ chức kinh tế (Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Doanh nghiệp vừa và nhỏ) có sản phẩm hoặc ý tưởng phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sẽ được cấp có thẩm quyền tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận từ 3 đến 5 sao.
      Sản phẩm đạt chuẩn OCOP được quảng bá, giới thiệu tại hệ thống các cửa hàng OCOP, các trang thương mại thông tin điện tử, trên các phương tiện truyền thông; được hỗ trợ, hướng dẫn, kết nối với các đối tác tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và tham gia các Hội chợ, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
     Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả cao, toàn diện, có sự lan tỏa về chiều rộng và đi vào chiều sâu rõ nét; đến nay có 201 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 88% (sau khi sáp nhập có 154/182 xã đạt chuẩn, đạt 84,6%); huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4 huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Lộc Hà và Thạch Hà có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 428 Khu dân cư kiểu mẫu và 5.244 Vườn mẫu đạt chuẩn.
     Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã đạt được những kết quả bước đầu, khẳng định tính hiệu quả của Chương trình; các sản phẩm tham gia Chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện, thương hiệu... đến nay có 72 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 69 sản phẩm đạt 3 sao).
     Năm 2020, là năm tập trung cao để đạt kết quả cao nhất hoàn thành xuất sắc kế hoạch 2016-2020 và là để tạo tiền đề bền vững cho thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với quan điểm: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tăng trưởng “xanh”, bền vững, văn hóa cao, phúc lợi xã hội, môi trường sống tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu; an ninh chính trị đảm bảo. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao hơn bình quân các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; người dân được nâng cao cả về thể chất, vật chất và tinh thần; phát huy cao những phẩm chất, cốt cách con người xứ Nghệ, nâng cao chỉ số hạnh phúc.
      Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều phải nâng cấp, nâng mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, chuyển sang giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chủ động rà soát, cập nhật theo Dự thảo Bộ tiêu chí nông thôn mới của Trung ương ban hành giai đoạn 2021-2025; xây dựng nông thôn mới tập trung cao đi vào chiều sâu, bền vững, chú trọng ngay từ hộ gia đình, tập trung cao xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
     Các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên; xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao trở lên, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao. Để hoàn thành được mục tiêu trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân tập trung cao hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022; đối với cấp huyện phấn đấu cuối năm 2023: 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với du lịch năm 2024; phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Tiếp tục kiên trì thực hiện có hiệu quả, quan điểm chỉ đạo tập trung cao phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới sáng tạo, đổi mới, cụ thể, hiệu quả. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện Chương trình OCOP, đẩy mạnh ứng dụng các quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến như: VietGAP, Global GAP, nông nghiệp hữu cơ, gắn kết các doanh nghiệp, cửa hàng tiêu thụ nông sản và quan tâm cao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý. Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là chế biến, thương mại dịch vụ nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm nâng cao nhanh hơn thu nhập cho cư dân nông thôn; Tất cả các tiêu chí đều phải được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, phải xây dựng mô hình mẫu ở tất cả các tiêu chí, các nội dung để làm mẫu hình nhân rộng. Phát triển mạnh về kinh tế gắn với bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bảo vệ và cải thiện môi trường; luôn quan tâm cao đến các vấn đề xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng chú trọng về chất lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn theo quy định, quan tâm việc xác định thị trường chiến lược, các kênh phân phối cho từng sản phẩm; phát triển bền vững chuỗi giá trị cho từng sản phẩm.
      Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm người dân phải thể hiện rõ vai trò chủ thể, chủ động thực hiện, làm cho chính mình và có trách nhiệm cao với xã hội; cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, chung tay "Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", “Xây dựng nông thôn mới phải ăn vào máu thịt của tất cả cán bộ, đảng viên, hội viên, của tất cả mọi người - không ai được đứng ngoài cuộc”.
      Kính thưa bà con, thưa các bạn
      Để tạo động lực, tạo điều kiện cho cộng đồng, người dân thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm tỉnh ta đã ban hành chính sách được quy định tại Nghị quyết số 123 ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể như sau: Về chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới Xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn được thưởng 5 triệu đồng/vườn, Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn 300 triệu đồng/khu dân cư; không hạn chế số lượng, thưởng theo kết quả đầu ra theo kế hoạch hàng năm. Thưởng 01 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới, 500 triệu đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu sau khi có quyết định công nhận của UBND tỉnh. Hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt (đủ lượng nước phục vụ sinh hoạt tối thiểu 60 lít/ngày đêm/người) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ gia đình thuộc vùng không quy hoạch cấp nước tập trung hoặc có quy hoạch nhưng chưa có dự án đầu tư xây dựng 02 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo, cận nghèo để phá bỏ công trình vệ sinh 2 ngăn, xây dựng công trình vệ sinh tự hoại.
      Về Cơ chế hỗ trợ xi măng: Nhà nước hỗ trợ 100% xi măng làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng, tỷ lệ ngân sách các cấp tùy thuộc vào từng loại đối tượng, vùng miền. Hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện, tối đa 2,5 triệu đồng/km/năm đối với việc duy tu, bảo dưỡng đường giao thông;
      hỗ trợ 30% kinh phí nâng cấp mặt đường bằng vật liệu mới, với mức hỗ trợ tối đa không quá 55.000đ/m2. Về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP được hỗ trợ:
     - Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án, phương án, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh: 30% tổng kinh phí thực hiện, tối đa 200 triệu đồng/sản phẩm.
      - Hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, lắp đặt trang thiết bị mới, tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm 50% tổng kinh phí thực hiện, lên đến 02 tỷ đồng.
      - Hỗ trợ thiết kế, in ấn bộ nhận diện thương hiệu và xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, mã số, mã vạch 100% kinh phí thực hiện được phê duyệt trong phương án, tối đa 300 triệu đồng/sản phẩm.
     - Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, mua sắm thiết bị nhà kho, xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm 30% vốn đầu tư thực hiện đến 1,5 tỷ đồng đối với kho, xưởng có thể tích chứa từ 1.000 m3 trở lên; đến 500 triệu đồng đối với kho, xưởng có thể tích chứa từ 150m3 đến dưới 1.000m3; Xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia OCOP được hỗ trợ 50% kinh phí tối đa 300 triệu đồng/mô hình - Thuê các điểm giới thiệu, bán hàng OCOP tại các huyện, tại các điểm dừng xe trong tỉnh được hỗ trợ 50% tiền thuê, tối đa 50 triệu/điểm/năm, thời gian hỗ trợ 02 năm.
     - Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo về quản trị, khởi nghiệp, đào tạo nghề, tối đa 100 triệu đồng/tổ chức, 15 triệu đồng/cá nhân đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn được thưởng 70 triệu đồng/sản phẩm 5 sao, 50 triệu đồng/sản phẩm 4 sao, 30 triệu đồng/sản phẩm 3 sao. Ngoài các nội dung nêu trên, theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh còn có những nội dung được hỗ trợ như: hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến được quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9; phát triển thương mại nông thôn được quy định tại Điều 14, Điều 15;
      hỗ trợ lãi suất quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18. Bà con cần nghiên cứu kỹ các quy định trong Nghị quyết 123 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các quy định liên quan trong các Nghị quyết như: Nghị quyết số 65/2017/NQ-HĐND tỉnh, Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND , Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND,... (về HTX, về Công thương, về Thông tin và truyền thông và về Văn hóa,...) trên các trang thông tin điện tử nongthonmoihatinh.vn hoặc ocop.hatinh.vn. (Xen nhạc, khoảng 15 giây)
      Kính thưa toàn thể bà con nhân dân!
     Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh ta đã có nhiều mô hình điển hình nổi trội. Sau đây là địa chỉ của một số mô hình điển hình tiêu biểu: Về phát triển sản xuất: mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm: Quy mô 4.800 con của ông Trần Nghệ Tịnh, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên; mô hình chăn nuôi 500 lợn nái và 2400 lợn thương phẩm của ông Nguyễn Văn Sửu, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà; mô hình chăn nuôi lợn quy mô 650 nái của ông Nguyễn Thái Huy, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ; mô hình chăn nuôi Hươu của bà Trần Thị Tuyết xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Các mô hình trồng cam của Tổ hợp tác sản xuất Cam VietGap của bà Trần Thị Ân xã Đức Lĩnh; ông Ngô Xuân Linh, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn; mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Hợp tác xã Nga Hải, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân;
      Mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao của Công ty Grobest tại Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh; của Hợp tác xã Xuân Thành, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân. Về đường giao thông nông thôn: đường Trục xã: xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh; xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà; xã Thạch Hạ, Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh; đường trục thôn: Thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc; thôn Đồng Tiến, Thanh Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh; thôn Liên Hà, Liên Thanh, Liên Nhật, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh; Việt Yên, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà;...
     - Trường học có: Trường Mầm non: xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân; xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà;...Trường Tiểu học: xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh; xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên;…Trường Trung học cơ sở: xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh; xã Yên Hồ, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ;... - Trạm Y tế có các Trạm Y tế tại các xã: Quang Diệm, Sơn Tây, huyện Hương Sơn; Tượng Sơn, huyện Thạch Hà; xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân;...
     - Nhà văn hóa thôn: Thôn Trung Thịnh, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Thôn Hoàng Diệu, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh; thôn 6, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn; thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân; thôn Phúc Sơn, thôn Tự Cường, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc;…
     - Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: + Chợ Đồn, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà; chợ Mai Phụ, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà; chợ Đình Hương, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh;…
    + Siêu thị mini nông thôn: xã Cẩm Quan, Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc; xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà;… Công sở xanh, văn minh, phục vụ tại các xã: Tượng Sơn, huyện Thạch Hà; Tùng Ảnh, Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ; Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh...
    - Công viên mini nông thôn: xã Đồng Môn, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh; xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh; xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên;... - Sân bóng đá cỏ nhân tạo tại các xã: Mỹ Lộc, huyện Can Lộc; Cẩm Quang, Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên; Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Cương Gián, huyện Nghi Xuân,...   
    - Mô hình câu lạc bộ dân ca ví dặm tại các xã: Đan Trường, Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân; Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên;...
     - Mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà; mô hình Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ; mô hình Tiếng kẻng an ninh xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà;… Về Quỹ tín dụng nhân dân có: Quỹ tín dụng nhân dân xã Cương Gián; Quỹ tín dụng nhân dân xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Thành huyện Cẩm Xuyên; Quỹ tín dụng nhân dân Long Tân, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Trung Hạ, thành phố Hà Tĩnh;... Về mô hình Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu: Hiện tại toàn tỉnh có 428 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, có nhiều khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu điển hình như: Thôn 9- xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn; thôn Bắc Tiến - xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh; thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, thôn Hội Tiến - xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà; thôn 6 - xã Hương Thủy, huyện Hương Khê; Sơn Bình, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc; thôn Nam Trà, Tiền Phong, Đông Trà, Tân Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê; thôn Yên Mỹ, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên; thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh;... Về vườn mẫu: Vườn ông Phan Văn Liệu, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang; ông Đinh Phúc Tiến, xã Hương Trà, huyện Hương Khê; ông Nguyễn Văn Anh, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc; ông Phạm Văn Dần, xã Đức Giang, ông Lê Mạnh Bá, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang; ông Trần Văn Báu, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Giáo Nghị, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ; ông Nguyễn Đình Phượng, Kỳ Trung, ông Trần Văn Tiến, Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh; ông Nguyễn Kỳ Toàn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên,...
      Về mô hình điển hình OCOP:
     - Các sản phẩm đạt 4 sao, gồm: Gạo Ngọc Mầm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên KC, huyện Thạch Hà; Nhung hươu khô tán bột của Công ty cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn, huyện Hương Sơn, Cam Thượng Lộc Xuân Hòa của Hợp tác xã Trà Sơn sản xuất kinh doanh cây Lâm nghiệp và cây ăn quả xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc.
     - Các sản phẩm đạt 3 sao gồm: Nhung hươu khô tán bột Hương Luật của Hợp tác xã Dịch vụ hươu giống, nhung hươu, mật ong Sơn Lâm, Mật ong Cường Nga của Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ tổng hợp Sơn Diệm, huyện Hương Sơn; Cam Bảo Phương, huyện Vũ Quang, Rượu sim Thanh Bảo của cơ sở sản xuất Thanh Bảo, huyện Cẩm Xuyên; Hương Trầm Đinh Gia của cơ sở Nguyễn Chí Thành, huyện Hương Khê; nước mắm Luận Nghiệp và Cá mờm rim lạc của Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng, thị xã Kỳ Anh; Nước mắm Phú Khương của Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương; Nem chua Ý Bình của cơ sở sản xuất Nem chua Ý Bình, huyện Hương Sơn....
       Để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết với nhau trong hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao hơn đã xuất hiện các mô hình Hội quán hoạt động trên nguyên tắc cơ bản “3 tự: Tự nguyện, tự quản, tự quyết; 3 cùng: Cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng và 3 không: Không trụ sở, không biên chế, không Ngân sách nhà nước ”. Đến nay, đã có một số mô hình hội hình thành, tiêu biểu như: Hội quán chế biến thủy hải sản Kỳ Anh, Hội quán nhung hươu Hương Sơn,...
      Trên nền tảng - những thành tựu to lớn tỉnh ta đã đạt được, với những bài học quý được rút ra trong quá trình thực hiện, người dân phát huy cao vai trò chủ thể của mình, chủ động, sáng tạo, được cả hệ thống chính trị quan tâm cao, tin tưởng rằng thời gian tới Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, lên tầm cao mới, Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới trước năm 2025.
      Kính thưa quý vị và các bạn
      Trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều ca khúc về xây dựng nông thôn mới. Sau đây xin trân trọng kính mời quý vị và các bạn thưởng thức một số ca khúc tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới do chính các tác giả là những người con quê hương Hà Tĩnh sáng tác.

Nguồn NTM


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 159.577
Trong năm: 58.379
Trong tháng: 3.796
Trong tuần: 1.743
Trong ngày: 43
Online: 3